Học Hỏi Ngay Phương Pháp Ôn Thi Chuyên Toán Hiệu Quả

Thiết kế không tên (2)

Đối với học sinh lớp 9 có mong muốn thi chuyên, việc chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 thường được bắt đầu từ rất sớm. Đặc biệt, phương pháp ôn luyện là điều mang tính quyết định đối với kỳ thi vô cùng quan trọng sắp tới. Chúng ta hãy cùng nghe Thầy Nguyễn Thế Anh  tư vấn về vấn đề này nhé. 

Phương pháp ôn luyện các dạng toán nâng cao

Để thi vào chuyên Toán, học sinh phải trải qua 2 vòng thi, vòng thi thứ nhất là Toán chung, vòng thi thứ hai là Toán chuyên.

Vòng thi thứ nhất – Toán chung, kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 9, các bài toán khó để lấy điểm 9, 10 thường ở mức độ vận dụng cao; Các dạng bài toán thường ở mức độ quen thuộc và tương đương với các bài thi vào 10 cấp Tỉnh/thành.

Vòng thi thứ hai – Toán chuyên, các bạn học sinh cần xác định ngay là kiến thức sẽ không giới hạn trong chương trình lớp 9, nhiều bài toán phải sử dụng kiến thức lớp 6,7,8 để giải. Các dạng toán thường là những bài toán tổng hợp hoặc là những trường hợp đặc biệt từ những bài toán phổ biến. Một số dạng toán thường gặp như bài toán số học liên quan đến số chính phương, số nguyên tố, bài toán hình học trong tam giác, bài toán chứng minh BĐT, toán rời rạc,…

Đối với những dạng toán nâng cao như vậy, Thầy Nguyễn Thế Anh  – Lớp học Thầy Thế Anh đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh như sau: “Với những dạng bài toán nâng cao, không có một lời khuyên hoặc một “công thức” chung nào đó có thể áp dụng để giải tất cả các dạng toán trên. Mà mỗi dạng bài có một đặc thù riêng. Ví dụ như bài toán hình cũng chia thành nhiều dạng nhỏ. Bài toán BĐT thì có rất nhiều dạng hay và khó, bài toán rời rạc thì luôn là “đỉnh cao” của tư duy với học sinh THCS,…”.

Thầy còn cho biết rằng : để giải các bài toán nâng cao trên, học sinh cần phải :

* Nắm thật vững và hệ thống được các kiến thức cơ bản;

* Biết được các dạng toán nâng cao

* Tư duy tốt

* Kỹ năng tính toán, trình bày tốt 

* Vận dụng linh hoạt các định lý, bổ đề, bài toán phụ.

Theo đó, học sinh cần ôn luyện để tích lũy đủ các yếu tố trên. Hai yếu tố đầu đương nhiên học sinh phải thành thục và làm tốt rồi. Hai yếu tố tiếp theo thuộc khả năng và đam mê của mỗi học sinh. Tuy nhiên kỹ năng tính toán, trình bày và tư duy có thể rèn luyện được thông qua việc luyện tập giải bài.

Yếu tố “vận dụng linh hoạt các định lý, bổ đề, bài toán phụ” là then chốt để giải các bài toán này. Muốn vậy, khi ôn luyện, học sinh cần thiết phải phân tích bài toán để hiểu rõ, hiểu sâu vào bản chất vấn đề. Đào sâu suy nghĩ, lật đi lật lại bài toán, tổng hợp bài toán, đặc biệt hóa bài toán, tạo ra bài toán khác. Khi các bạn học sinh hiểu sâu sắc bài toán, dường như nó “ngấm” vào máu của mình rồi thì sau này khi gặp các bài toán tương tự, học sinh sẽ dễ dàng phát hiện và giải được.

Khi gặp một bài toán khó, ngoài các kỹ năng phân tích để tìm lời giải, vẽ hình tốt, ta cũng thường phải liên tưởng đến những bài toán “na ná” như bài toán đang gặp. Tìm điểm chung, điểm riêng của bài toán đang có và bài toán đã giải. Kết hợp với phân tích, vận dụng linh hoạt các định lý, bổ đề để tìm ra hướng giải. Học sinh cần luyện tập để việc liên tưởng và vận dụng này như một phản xạ tự nhiên khi gặp bài toán khó.

Như vậy, để giải thành thạo các dạng toán nâng cao, không có cách nào khác là phải luyện tập, làm nhiều dạng bài tập, hiểu sâu sắc bài toán, phân tích bài toán, tổng quát hoặc đặc biệt hóa bài toán, sau cho ta phải hiểu sâu sắc, hiểu rõ bản chất vấn đề.

Untitled-1