Lời khuyên từ Thầy giáo Nguyễn Thế Anh giúp các em chinh phục kỳ thi THPT quốc gia 2017 môn Toán
- Đầu tiên các em phải hiểu cấu trúc đề thi ra sao? Phần nào khó phần nào dễ và phân phối thời gian cũng như công sức cho hợp lý
Theo như đề minh họa của Bộ giáo dục và đào tạo thì đề thi gồm các chuyên đề sau và số lượng như sau được sắp xếp thứ tự ngẫu nhiên.
- Phần hàm số, câu liên quan hàm số và ứng dụng hàm số: 11 câu. (Sẽ có 1-2 câu toán ứng dụng)
- Phần mũ, logarit và ứng dụng: 10 câu (1- 2 câu toán ứng dụng)
- Phần tích phân nguyên hàm và ứng dụng: 7 câu (1-2 câu ứng dụng)
- Phần số phức: 6 câu (1-2 câu ứng dụng)
- Phần hình không gian: 7 câu (1-2 câu ứng dụng)
- Phần hình tọa độ trong không gian: 9 câu (1-2 câu ứng dụng)
Do nhu cầu đổi mới của Bộ nên tất cả các phần đều đứng gắn với ứng dụng trong thực tế để các em có thể áp dụng vào trong đời sống sau này. Nhưng về cơ bản thì vẫn là kiến thức các em học trong sách thôi.
- Sau khi các em đã biết rõ cấu trúc đề thi minh họa rồi thì ngoài kiến thức học tập thì các em cần biết cách làm bài. Một số bạn đã biết những kinh nghiệm này nhưng đa số đều không áp dụng thành thạo và thiếu phương pháp làm bài. Giống như các em chạy một quãng đường dài nhưng không biết phân phối sức nên bị đuối sức và không đến được đích.
- SƠ CHẾ: Đọc đề – Lướt đề và Làm Sơ chế. Giai đoạn này giúp các em làm được NHỮNG CÂU DỄ LÀM ĐƯỢC (CÂU DỄ: câu đã làm quen, câu biết làm nhanh, câu đã đọc được hôm trước…) Đánh dấu bên cạnh những CÂU KHÓ (câu chưa gặp bao giờ, đọc không hiểu ngay, câu tính toán mất thời gian….).
Giai đoạn SƠ CHẾ này các em chắc cũng làm được ngay 20-30 câu trong đề.
- BỚI LÔNG TÌM VẾT: Sau giai đoạn SƠ CHẾ là giai đoạn quay trở lại TIÊU DIỆT những câu KHÓ.
Câu khó phân làm 2 loại: Khó vừa (làm được hơi mất time, nghĩ hơi lâu) và Khó hẳn (Không có ý tưởng và đọc không hiểu đề hoặc về nhà mới nghĩ ra).
Giai đoạn này ta làm câu khó vừa: Chắc hơi mất thời gian tý nhưng cẩn thận sẽ ok thôi.
- CHỐT HẠ: Sau khi làm 2 bước trên thì số lượng câu còn lại thường dưới 10 thường rơi vào tầm 5 câu. Thời gian cũng không còn nhiều thì thôi ÔI THÂN LINH ƠI. – Khoanh bừa dựa vào các câu mình đã làm đúng và khoanh các đáp án được khoanh ít hơn. Tất nhiên đối với các bạn giỏi thì có thể làm được hết mà không cần khoanh liều đâu nhé.
Nhìn chung tầm 8-9 điểm chắc không phải quá khó. Chỉ 10 là Khó thôi. Bởi vậy là khoảng cách từ 9 đến 10 điểm chỉ là 1 điểm nhưng phải luyện cực lâu và cực khổ. Đúng là KHỔ LUYỆN THÀNH TÀI.
CHÚ Ý: Thầy không khuyến nghị với các trường hợp KHOANH BỪA CẢ BÀI.
- Các kiến thức và phương pháp giải bài
Kiến thức Cơ bản cần học chắc: Kiến thức trong sách giáo khoa (Cơ bản và nâng cao) + Tích cực luyện tập làm đề thi thử và các chuyên đề bổ trợ.
Phương pháp giải bài:
- Phần đại số: Học kĩ tự luận và học tập các phương pháp giải nhanh trắc nghiệm bằng máy tính.
- Phần hình học:Làm các bài toán quen thuộc và một số công thức giải nhanh những bài khó để giúp tiết kiệm thời gian làm bài.
- Luyện tập thật nhiều để tăng tốc độ làm bài và tâm lý thi cử.
CHÚC CÁC EM HỌC TẬP THẬT TỐT.
Thầy Nguyễn Thế Anh