Dạy thêm, học thêm ở Nhật Bản như thế nào?
Tại Nhật Bản, hầu hết học sinh dành phần lớn quỹ thời gian cho việc học tập tại trường. Tuy nhiên, việc học trên lớp chỉ giải quyết được những vấn đề cơ bản nên nhiều trung tâm học thêm và luyện thi đã được ra đời để đáp ứng nhu cầu của những em ham học.
Dạy thêm và học thêm ở đất nước mặt trời mọc chủ yếu được tổ chức theo hai mô hình. Một là các trung tâm luyện thi (Cram schools); hai là các câu lạc bộ năng khiếu (âm nhạc, hội họa, thể thao, kỹ thuật – công nghệ…).
Cram schools do tư nhân quản lý, nhằm bổ sung bài học ở trường và đặc biệt là để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào các cấp độ tiếp theo. Một phần ba trẻ em ở Nhật được gửi đến những tổ chức này. Lớp học thêm thường được tổ chức vào chiều muộn hoặc buổi tối, thường là lúc trẻ em có thời gian rảnh rỗi.
Hệ thống Cram schools của Nhật chủ yếu hướng tới việc truyền đạt kiến thức cho học sinh càng nhiều càng tốt trong thời gian ngắn nhất. Cũng nhiều người lên tiếng chỉ trích rằng giáo dục như vậy là “học vẹt”, thiếu sự đào sâu suy nghĩ và phân tích, làm cho học sinh bị mụ mị đầu óc và thiếu năng động.
Lực lượng giáo viên giáo dục chính quy và các trung tâm luyện thi, câu lạc bộ năng khiếu độc lập với nhau, không được làm việc lẫn lộn. Các trung tâm luyện thi, các câu lạc bộ năng khiếu nằm ngoài hệ thống giáo dục, nhưng phải đăng ký và đóng thuế thu nhập. Giáo viên nào bị phát hiện dạy thêm ngoài hoạt động chính quy sẽ bị sa thải, hiệu trưởng trường đó phải từ chức.