Chí Linh – địa linh nhân kiệt, hội tụ khí thiêng đất trời

Chí Linh – địa linh nhân kiệt, hội tụ khí thiêng đất trời

Mảnh đất Chí Linh – địa linh nhân kiệt, hội tụ khí thiêng đất trời, gắn liền với những danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc bậc nhất lịch sử. Đầu năm,mời bạn về thăm những địa danh linh thiêng và nổi tiếng như một lời chúc may mắn. Khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn.

Tam quan chùa Côn Sơn.

Khu di tích nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng – Kỳ Lân. Khu di tích, danh thắng này gồm có núi non, chùa, tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử. Ngay từ thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn – Yên Tử – Quỳnh Lâm). Mảnh đất này đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang và đặc biệt là anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và đọc bia về Nguyễn Trãi. Ngày nay, Côn Sơn còn lưu giữ được những dấu tích văn hóa thời Trần và các giai đoạn lịch sử kế tiếp.

Chùa Côn Sơn

Chùa có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, hay còn gọi là chùa Hun, tọa lạc ở ngay dưới chân núi Côn Sơn, có từ trước thời Trần. Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ công gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Thượng điện thờ Phật, có những tượng Phật từ thời Lê cao 3m. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Đán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Tên chữ của chùa có nghĩa là Ngôi chùa được trời ban phúc.

Sân chùa có cây đại 600 tuổi, 4 nhà bia, đặc biệt là bia “Thanh Hư động” tạo từ thời Long Khánh (1373 – 1377) với nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia hình lục lăng, “Côn Sơn thiện tư bi phúc tự” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi Người về thăm di tích này(15/2/1965).

Chùa vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc thời xưa.

Giếng Ngọc

Giếng nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quí. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Từ đó có tên là Giếng Ngọc và nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa.

Tháp mộ Huyền Quang tôn giả tại Côn Sơn.

Thạch Bàn

Bên suối Côn Sơn có một phiến đá gọi là Thạch Bàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ khi Người tới thăm di tích này. Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm “chiếu thảm” nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.

2. Đền thờ Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi –

Chân dung Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Đền thờ Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000m2, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Đây là nơi tưởng niệm thời gian Nguyễn Trãi và gia đình về núi Côn Sơn ở ẩn. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền và đem cái mát lành, êm dịu, tươi tốt cho cả một vùng suốt chiều dài dòng suối chảy qua.

Đền Nguyễn Trãi nhìn chính diện.

Ngôi đền chính tưa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân là tả Thanh long và hữu Bạch hổ. Phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng. Xa xa là dãy núi An Lạc đã tạo lên thế núi lớp lớp điệp trùng.

Ngoài ra nơi đây còn có đền thờ ông ngoại Nguyễn Trãi là Trần Nguyên Đán.

Mỗi chúng ta khi đến dâng lễ, thắp hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi, đứng trước ông, trong giây phút ta tĩnh tâm, suy ngẫm, soi lại và tự biết mình : Cao thượng hay thấp hèn, lương thiện hay độc ác, chính hay tà … để tự sửa. Người đến thắp hương tưởng nhớ Nguyễn Trãi xong, tâm sẽ sáng thêm, lòng hướng làm việc thiện, không làm việc ác và không bao giờ dám làm việc ác như bọn gian thần phong kiến đã đối xử với Nguyễn Trãi.

Toàn cảnh Đền Nguyễn Trãi nhìn từ Đền Trần Nguyên Đán.

3. Đền Kiếp Bạc – Anh hùng dân tộc Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

Tương truyền, vị trí khu vực đền Kiếp Bạc ngày nay, xưa là rừng già, rậm rạp và nhiều muông thú. Khi mới về Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuân lập đại bản doanh trong một thung lũng lớn. Tại đây, Người có nuôi một con chó để săn thú lúc nhàn rỗi. Con chó rất khôn và có nghĩa với chủ. Người cũng rất yêu mến con vật đó và luôn cho theo bên mình.

Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Một hôm, tư nhiên con chó bỏ đi mât. Hưng Đạo Vương nhớ tiếc con vật tinh khôn liền sai quân lính đi tìm kiếm khắp nơi. Sau mấy ngày tìm kiếm, quân lính báo tin đã tim thấy con chó cùng với bốn chó mới đẻ ở khu vực bãi sậy cách đại bản doanh một lưng đèo. Người sai đem con chó về nhà. Hôm sau chó mẹ lại tha bốn con ra chỗ cũ. Cứ như vậy đến ba lần. Thấy lạ, Hưng Đạo Vương ra tận nơi xem xét. Người ngắm nghía bãi sậy và khu vực thung lũng thấy nơi này rộng thoáng, nằm cạnh sông Thương nhìn thẳng về Lục Đầu Giang. Thế núi rộng bao quanh mặt thung lũng, lại có Nam Tào, Bắc Đẩu yểm hai bên. Cách chỗ con chó nằm chừng nửa dặm, có một quả đồi nằm giữa lòng thung lũng. Nhin kỹ thế núi, sông thì thấy giống như miệng rồng đang ngậm ngọc. Với con mắt của nhà quân sự thiên tài, Hưng Đạo Vương thấy đây là một vị trí hiểm yếu có lợi cho chiến lược quân sự, tiến lui đều thuận lợi, thế là Người không đem đàn chó về nữa mà quyết định chuyển đại bản doanh từ thung lũng trong ra thung lũng ngoài. Đó chính là khu vực đền Kiếp Bạc hiện nay.

Cổng đền mở rộng ra hai bên nhìn xa như bản Hịch của Trần Hưng Đạo

năm xưa.

Trong đền thờ Trần Hưng Đạo và còn thờ Thiên Thành Công chúa, phu nhân Đại Vương ; Hoàng thái Hậu Quyên Thanh công chúa, phu nhân Trần Nhân Tông ; Anh Nguyên Quận chúa, phu nhân Phạm Ngũ Lão. 5 vị được đúc tượng đồng thờ trong đền. Ngoài ra, ở đây còn thờ 4 con trai của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Hiến( Hiện), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy (Uất) và Yết Kiêu, Dã Tượng, gia tiên chỉ có bài vị và ngai thờ Quan Nam Tào, Bắc Đẩu.

Đài các ngày xưa trong phủ đệ Vạn Kiếp.

Lễ hội xưa bắt đầu từ ngày 16/8 đến 20/8 âm lịch hàng năm. Hiện nay hội bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, trọng hội vẫn là 18/8. Khách không chỉ đến Kiếp Bạc vào ngày hội mà quanh năm suốt tháng với số lượng ngày càng đông. Ngày lễ trọng thứ hai của đền Kiếp Bạc là 28/9, ngày mất của Thiên Thành công chúa, phu nhân của Trần Hưng Đạo, nhưng không thành hội, chỉ có làng Vạn và làng Kiêp tổ chức lễ tế là chính.

4. Đền thờ “vạn thế sư biểu” Chu Văn An

Người thầy của muôn đời Chu Văn An.

Từ Quốc lộ 18, vượt qua con đường đất khoảng 3km, với dốc núi quanh co giữa bạt ngàn những vườn nhãn, na, bưởi, tiếp đến là những rặng thông xanh mướt, chúng ta đến núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An (trước đây là xã Kiệt Đặc), huyện Chí Linh, Hải Dương, nơi có quần thể di tích đền thờ Chu Văn An. Đền được Nhà nước xếp hạng Khu di tích lịch sử quốc gia năm 1998 và được trùng tu, tôn tạo, khánh thành vào đầu năm 2008.

Đền thờ ẩn hiện trong rừng xây xanh.

Bước vào khuôn viên khu di tích, ngay từ cổng lên đền chính nổi bật chữ “Học” được viết theo nét bút thư pháp trông xa như một tấm thảm nhung trải lên các bậc đá để bước lên Đền. Kế tiếp là hàng chữ “Vạn thế sư biểu” bằng Hán tự in trên nền đá thể hiện tấm lòng tôn kính của bao thế hệ người Việt dành cho nhà giáo Chu Văn An. Ngôi đền chính được thiết kế theo kiểu “chồng diêm” tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt, nhà bia cũ, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thiếp vàng… Hai bên Đền là nhà giải vũ, sân thượng, sân trung, sân hạ, đôi rồng đá, hai nhà bia… Nguyên khởi của ngôi đền chính “Điện lưu quang”, nơi 600 năm trước thầy Chu Văn An sau khi từ bỏ mũ áo chốn quan trường, trở về mở trường dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời của một ‘‘tiều ẩn” (ông ví mình như một tiều phu ẩn dật chốn rừng sâu) an nhàn, thanh bạch, vui với cỏ cây, mây nước. Nhìn bao quát, ngôi đền không nguy nga hoành tráng, cầu kì, mà được thiết kế, xây dựng, bài trí độc đáo, đậm màu sắc truyền thống vừa toát lên vẻ nghiêm cẩn, vừa ấm áp, trang trọng.

Nơi an nghỉ của một người thầy vĩ đại.

Vào mỗi dịp lễ tết đến hay tuần rằm, mùng một, đặc biệt là vào mùa thi cử, nơi đây luôn có đông đảo người địa phương và du khách đến chiêm bái, thành lễ. Những lúc ấy, tại thư phòng phía trái Đền thường có các cụ đồ Nho trong trang phục xưa, ngồi thảo những con chữ giàu ý nghĩa bằng màu mực đỏ đặc trưng, tương truyền là màu mực nhà giáo Chu Văn An thường sử dụng ngày trước hàm ý về tấm lòng trung trinh, son sắc của mình với dân với nước. Trong những dịp này, các bậc phụ huynh, các em học sinh, hoặc các văn nhân, thi sĩ nặng nợ nghiệp bút nghiên thường đến đền xin chữ, cũng là cầu mong sự học, sự viết luôn được suôn sẻ, đỗ đạt, đơm hoa kết nụ.

“Ấu bất học – Lão hà vi”

Thế Anh tổng hợp