Các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

1. Tiếng Việt/Ngữ văn

Tiếng Việt/Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung cốt lõi bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học; phù hợp với lứa tuổi và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn học được tổ chức thành hai phần: Bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc có tên là Ngữ văn 1, tiếp nối các mạch nội dung đã học từ giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng chú ý nhiều hơn đến tính chất công cụ của môn học. Phần tự chọn có tên là Ngữ văn 2 (TC2), gồm các phân môn Văn học, Luyện đọc và Luyện viết.

Ngoài Ngữ văn 1 và Ngữ văn 2, đến lớp 11 và 12, có thêm hệ thống các chuyên đề học tập Ngữ văn (TC3).

2. Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2

Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12; Ngoại ngữ 2 là môn học TC1, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kỳ lớp nào trong các lớp từ 3 đến 12 tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Nội dung được thiết kế nhằm phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các mức khác nhau dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tham chiếu khung năng lực ngoại ngữ của châu Âu); chương trình được xây dựng liền mạch từ giai đoạn giáo dục cơ bản lên đến hết lớp 12. Kết quả học tập được xác nhận thông qua đánh giá cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

3. Toán học

Môn Toán là môn học bắt buộc ở tiểu học và trung học cơ sở (từ lớp 1 đến lớp 9), giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập tiếp theo ở các trình độ học tập hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Cấu trúc chương trình môn Toán ở tiểu học và trung học cơ sở dựa trên sự phối hợp cả cấu trúc tuyến tính với cấu trúc “xoáy trôn ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

Chương trình môn Toán từ lớp 10 đến lớp 12 bao gồm: Môn Toán 1 là bắt buộc đối với tất cả học sinh; môn Toán 2 là môn học tự chọn dành cho học sinh. Môn Toán 1 được phát triển trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, được lựa chọn từ những vấn đề cần thiết nhất, mang tính ứng dụng cao đối với tất cả học sinh với các định hướng nghề nghiệp khác nhau sau trung học phổ thông.

Môn Toán 2 trước hết nhằm giải thích, minh chứng những vấn đề thiết yếu đã được trang bị trong môn Toán 1; sau đó nhằm cung cấp bổ sung các kiến thức, kỹ năng, năng lực Toán cần thiết cho những học sinh có nguyện vọng học một số nhóm khối, nhóm ngành nghề đào tạo sau trung học phổ thông; được thiết kế trên cơ sở tiếp nối, phát triển từ nội dung bắt buộc theo hướng cấu trúc thành các mô đun phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo mà bản thân học sinh hướng tới.

4. Đạo đức – Công dân

Lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục các giá trị sống; góp phần hình thành, phát triển cho học sinh những phẩm chất đạo đức, các năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống, làm chủ bản thân, thực hiện trách nhiệm công dân,… phù hợp với chuẩn giá trị đạo đức và quy định của pháp luật.

Tất cả các môn học, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội và hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều góp phần giáo dục đạo đức – công dân, trong đó Giáo dục lối sống (cấp tiểu học), Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở) và Công dân với Tổ quốc (cấp trung học phổ thông) là các môn học cốt lõi, bắt buộc.

5. Khoa học Xã hội

Giáo dục Khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó các môn học cốt lõi tiếp nối nhau là: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu Xã hội (các lớp 4, 5); Khoa học xã hội (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông); Lịch sử, Địa lý (cấp trung học phổ thông).

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9; ở các lớp 1, 2, 3 môn học có tên là Cuộc sống quanh ta, tích hợp các nội dung về tự nhiên và xã hội; lên các lớp 4, 5 tách thành môn học Tìm hiểu xã hội (cùng với môn Tìm hiểu tự nhiên); lên trung học cơ sở môn học này có tên là Khoa học xã hội, tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo…

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Môn Khoa học xã hội là môn TC2 ở lớp 10 và lớp 11, dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên (không học các môn Lịch sử, Địa lý). Đối với học sinh định hướng khoa học xã hội thì học sâu hơn nên môn Khoa học xã hội tách thành 2 môn học Lịch sử, Địa lý (TC2). Dù là Khoa học xã hội hay Lịch sử, Địa lý, việc lựa chọn nội dung đều cần quan tâm tính cơ sở nền tảng, tính thời đại, sự quan hệ mật thiết với sự phát triển của xã hội và cuộc sống hiện thực.

6. Khoa học Tự nhiên

Lĩnh vực giáo dục Khoa học Tự nhiên được thực hiện trong nhiều môn học nhưng chủ yếu là các môn: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (các lớp 4, 5), Khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở) và Khoa học tự nhiên (cho học sinh định hướng khoa học xã hội, lớp 10, 11), các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học (cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên cấp trung học phổ thông).

Giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung chủ yếu của môn học là tích hợp các lĩnh vực kiến thức về Vật lý, Hoá học, Sinh học…; được tổ chức theo các mạch: Theo đối tượng môn học (vật chất, năng lượng, sự sống, trái đất); các quy luật chung của thế giới tự nhiên (tương tác, vận động, phát triển và tiến hoá); vai trò của khoa học đối với sự phát triển xã hội; vận dụng kiến thức khoa học trong sử dụng và khai thác thiên nhiên một cách bền vững.

Cấu trúc nội dung môn Khoa học Tự nhiên ở cấp trung học cơ sở gồm các chủ đề phân môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học trái đất đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn được sắp xếp sao cho vừa bảo đảm liên hệ theo logic tuyến tính vừa tích hợp đồng tâm, hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lĩnh vực khoa học tự nhiên được tách thành các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên. Nội dung các môn này được thiết kế theo logic tuyến tính tiếp theo giai đoạn giáo dục cơ bản, đảm bảo logic phát triển các kiến thức cốt lõi, nâng cao, chuyên sâu từ lớp 10 đến lớp 12, đồng thời có thêm các chuyên đề tự chọn trực tiếp đáp ứng học tốt chương trình nhóm ngành cụ thể sau trung học phổ thông.

Môn Khoa học tự nhiên ở lớp 10 và lớp 11 dành cho học sinh định hướng khoa học xã hội, không học các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất, có tính nguyên lý chung nhất của giới tự nhiên cần thiết cho tất cả học sinh theo định hướng nghề nghiệp ở bất kỳ nhóm ngành nào để duy trì phát triển ở mức cao hơn trên nền hiểu biết rộng.

6. Công nghệ – Tin học

Giáo dục Công nghệ – Tin học được thực hiện ở các môn học như Công nghệ, Tin học, Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học Tự nhiên…, trong đó các môn học cốt lõi ở cấp tiểu học là Kỹ thuật – Tin học, ở cấp trung học cơ sở là Công nghệ (TC3) và Tin học (TC3), ở cấp trung học phổ thông là Công nghệ (TC2) và Tin học (TC2).